*

Giới thiệu Nghiên cứu lý luận Đào tạo – Bồi dưỡng Thực tiễn Nhân vật – Sự kiện Diễn đàn Quốc tế Tin tức Từ điển mở

Trang chủDiễn đànNâng cao ý thức công dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(LLCT) – Ngày nay xây dựng nhà nước pháp quyền là một xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau đều khẳng định nhà nước pháp quyền là “điều kiện cơ bản để phát triển nền dân chủ”(1), “là một phương thức, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước”(2), “là xác lập dân chủ, thừa nhận và đảm bảo thực hiện quyền lực của nhân dân”(3), “là một giá trị chung của nhân loại trên con đường phát triển tiến bộ”(4), “là cơ chế có mục đích bảo đảm các quyền tự do của công dân, ngăn ngừa và chống lại sự lạm dụng quyền lực có thể có từ cơ quan công quyền”(5)v.v..

Đang xem: Liên hệ bản thân xây dựng nhà nước pháp quyền

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII, năm 1994), Đảng ta chính thức khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và đến năm 2001, vấn đề này được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung). Các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đều đề cập đến vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới chính trị và đổi mới đất nước. Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định nhiệm vụ tổng quát của đất nước trong 5 năm tới (2016-2020) là “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm”(6).

Để có nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân, vì dân đòi hỏi sự trưởng thành, lớn mạnh của nhiều yếu tố, trong đó phải có “trình độ trưởng thành của công dân về mọi mặt”(7). Ở đây tập trung vào vấn đề ý thức công dân trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Ý thức công dân bao hàm sự nhận thức và tinh thần trách nhiệm với nghĩa vụ, bổn phận của mỗi công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Qua khảo cứu cho thấy, ý thức công dân có tầm quan trọng như sau:

Ý thức công dân giúp nâng cao trình độ hiểu hiết của công dân về quyền và nghĩa vụ. Tức là, sự nhận thức về tính giá trị của quyền tự nhiên và quyền được trao cùng song hành với những nghĩa vụ, bổn phận ở mỗi công dân. Chỉ khi hiểu rõ quyền của mình là gì, nghĩa vụ của mình đến đâu thì việc thực thi và bảo vệ quyền con người, quyền công dân mới được đầy đủ, toàn diện và thực chất.

Ý thức công dân giúp nâng cao trách nhiệm xã hội của cá nhân công dân đối với cộng đồng, xã hội và nhà nước, thể hiện qua hành vi thực tế của cá nhân trong đời sống xã hội. Ý thức công dân còn là đạo đức của mỗi cá nhân vượt lên trên trách nhiệm luật pháp, hình thành sự điều chỉnh hành vi trong cộng đồng xã hội. Mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động đều tự điều chỉnh bản thân theo hướng hoạt động có trách nhiệm và phù hợp với các lợi ích của xã hội. Ngược lại, xã hội cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đáp ứng các quyền lợi của cá nhân. Ý thức trách nhiệm lẫn nhau, về nhau chính là chất keo kết dính các công dân để tạo dựng xã hội đoàn kết, thân ái, tiến bộ, văn minh.

Ý thức công dân giúp việc thực thi, tuân thủ pháp luật mang tính tự giác. Pháp luật có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức thực thi và tuân thủ của công dân. Sự thụ động của công dân trước pháp luật không làm tăng tính pháp quyền mà ngược lại, hàm lượng tính cưỡng bức cao, điều đó làm cho tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền bị chậm lại. Chỉ có sự thực hiện, áp dụng, tuân thủ một cách tích cực, tự giác mới phản ánh tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công bằng xã hội và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Ý thức công dân gắn liền với việc thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực đạo đức xã hội, góp phần xây dựng nhân cách công dân, ngăn chặn suy thoái về lý tưởng, đạo đức của một bộ phận công dân. Ý thức công dân gắn chặt với niềm tin của mỗi cá nhân công dân vào công lý, sự lãnh đạo, định hướng, điều hành của Nhà nước.

Vấn đề ý thức công dân được đề cập dưới nhiều góc nhìn khác nhau, ở từng lĩnh vực cụ thể, song thể hiện cơ bản, rõ nét nhất là trong chính trị, pháp luật, đạo đức.

Trong lĩnh vực chính trị, ý thức công dân biểu hiện trước hết ở việc công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, thái độ tích cực hay không tích cực trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng hiến pháp, pháp luật, tham gia giám sát cơ quan công quyền, tham gia phản biện chính sách có liên quan tới quốc kế dân sinh v.v..

Trong những năm qua, trước mỗi kỳ đại hội, Đảng ta luôn xây dựng các kênh thông tin để trao đổi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đông đảo tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng nhằm phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động. Phần lớn ý kiến đều nhất trí cao, phân tích, làm sáng tỏ, góp ý sửa đổi một số nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp được nêu trong các dự thảo văn kiện. Điều đó thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của mỗi đảng viên và người dân, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Song bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại mà Đảng ta chỉ ra là “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước(8).

Thực hiện quyền công dân trong bầu cử, thông qua các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện sự dân chủ cao trong việc điều hành, quản lý của Nhà nước với nhân dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 99,35%(9). Tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của cá nhân đối với đất nước. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một bộ phận công dân bàng quan với việc bầu cử, coi sự kiện chính trị quan trọng này không có liên quan đến mình, đi bầu cử với trách nhiệm không cao, không tìm hiểu kỹ về năng lực, trình độ, quá trình công tác của đại biểu để lựa chọn. Điều đó phản ánh ý thức công dân ở một bộ phận công dân đối với các sự kiện chính trị – xã hội chưa cao.

Hoạt động tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách được Đảng và Nhà nước ta chú trọng. Nhiều cơ quan chính phủ với nhiều hình thức như: lấy ý kiến trực tiếp tại hội nghị, gửi văn bản hoặc thư điện tử và nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, lập cổng thông tin điện tử để mọi người dân có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến, đóng góp cho các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, Quốc hội thiết lập trang thông tin điện tử với địa chỉ www.duthaoonline.quochoi.vn, đăng tải các dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để nhân dân dễ dàng truy cập, đọc, nghiên cứu và gửi phản hồi. Chính phủ cũng thiết lập Cổng thông tin điện tử www.chinhphu.vn với mục “Chính phủ với công dân”, trong đó danh mục văn bản dự thảo như nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị, thông tư liên tịch v.v.. được đăng toàn văn, nhân dân có thể truy cập để nghiên cứu và đối chiếu, so sánh, tham khảo các ý kiến khác đã đóng góp để đưa ra các ý kiến một cách hiệu quả. Trang thông tin điện tử của nhiều bộ, ngành như Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính v.v.. đều có mục “Lấy ý kiến nhân dân dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”, trong đó ghi rõ thời hạn đóng góp ý kiến, trung bình là 2 tháng cho mỗi dự thảo. Bên cạnh đó còn có mục “Hỏi đáp chính sách” nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân quan tâm tìm hiểu thêm những quy định liên quan tới mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức công dân một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các cổng thông tin điện tử thì tỷ lệ người tham gia đóng góp ý kiến xây dựng còn thấp, mỗi văn bản chỉ từ 1-2 ý kiến phản hồi, thậm chí có văn bản không có phản hồi. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến cũng chưa nhiều, còn hình thức. Trên một số diễn đàn, tạp chí đăng tải các bài nghiên cứu sâu của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp có hệ thống, có lập luận, dẫn chứng đối với các dự thảo văn bản của nhà nước nhưng số lượng chưa nhiều.

Trong lĩnh vực pháp luật, ý thức công dân đã từng bước được nâng lên, có nhiều tiến bộ, biểu hiện ở việc tuân thủ luật lệ giao thông, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức công dân trong việc nộp thuế, ý thức công dân trong văn hóa ứng xử, giữ gìn văn minh đô thị, v.v.. Tuy vậy, hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến những tồn tại diễn ra ở các lĩnh vực của đời sống. Thí dụ, trong lĩnh vực môi trường là tình trạng xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông, suối, ao, hồ, biển làm hủy hoại môi sinh, môi trường. Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nổi cộm là tình trạng lạm dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc, kháng sinh đối với gia súc, gia cầm, lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất rau, củ, quả…

Trong lĩnh vực đạo đức, những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống luôn được đề cao, tuyên truyền, giáo dục thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, cơ quan, tổ chức. Ở khu vực công, đa số cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái, thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống. Có thể thấy, những sai phạm, suy thoái về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, công an, kiểm lâm, y tế, giao thông, giáo dục… Trong đó, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng như: kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng lơ là, thiếu trách nhiệm để “lâm tặc” phá rừng trong nhiều năm; một số viên chức ngành y tế lợi dụng vị trí việc làm vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông nhận tiền “mãi lộ”; thậm chí công chức làm công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan chuyên môn cũng hách dịch, gây khó dễ cho các cá nhân đến liên hệ công tác… Trong giáo dục, mối quan hệ thầy cô giáo với học trò đây đó thiếu vắng sự tôn trọng lẫn nhau, lễ phép, chuẩn mực, trung thực, chân thành. Bên cạnh những thầy cô giáo tận tụy với nghề, tự trọng, nhân ái, thì một bộ phận đã đánh mất bản chất, hình ảnh tốt đẹp của người giáo viên, giảng viên, họ toan tính những mối quan hệ vụ lợi. Điều đó có ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức của cá nhân công dân, tới mỗi thành viên xã hội.

Xem thêm: Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Cotec Coteccons (Hose: Ctd), Ctcp Xây Dựng Coteccons (Hose: Ctd)

Nhận thức được vai trò quan trọng của ý thức công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền, Đại hội XII khẳng định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”(10).

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đại hội XII đã nêu phương hướng, giải pháp về giáo dục, về sự nêu gương, về hoàn thiện thể chế, tổ chức và pháp luật, về phát huy dân chủ, về thực hiện pháp luật, đạo đức v.v.. nhằm nâng cao ý thức công dân trong thời gian tới, cụ thể là:

Trong lĩnh vực chính trị, phải “đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước…” (11) cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả”(12). “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân…”(13). Đồng thời, phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm “mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện” với “hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ”(14).

Trong lĩnh vực pháp luật, tập trung “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(15). “Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương…”(16). Xây dựng lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, công khai kết quả xử lý”(17). Đồng thời, “giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân”(18)… Thực tế cho thấy việc thực hiện, tuân thủ pháp luật phải được tiến hành đồng bộ, quyết tâm cao, tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các công dân, tổ chức vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Về đạo đức, đối với học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, thái độ sống tích cực. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: cần quan tâm cải thiện thu nhập, bảo đảm lợi ích hài hòa, để họ không phải quá bận tâm đến “cơm áo gạo tiền” mà vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ, để họ có thể tập trung vào thực thi công vụ một cách tốt nhất. Trong đó, “đội ngũ đảng viên thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”(19).

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1), (7) Hoàng Văn Hảo: “Về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” Tạp chí Lý luận chính trị, số 10-2002.

(2) Phạm Văn Đức: “Về một số nét đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học, số 9-2005.

(3) Đào Trí Úc: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Những thành tựu chủ yếu của 60 năm xây dựng và phát triển”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12-2005.

(4) Lương Đình Hải: “Xây dựng nhà nước pháp quyền và và vấn đề dân chủ hóa xã hội ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 1-2006.

(5) Nguyễn Văn Quân: “Nhà nước pháp quyền như một chuẩn mực quốc tế”, Tạp chí Luật học, số 11-2005.

(6), (8), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.79, 44, 29, 162, 115, 212, 169, 47, 175, 208, 50, 210.

Xem thêm: Khách Sạn Ninh Kiều 2 Cần Thơ Tuyển Dụng, Khách Sạn Ninh Kiều 2 Tuyển Dụng

(9) Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *