Có từ 50 đến 100 triệu người toàn thế giới chết vì đại dịch cúm xảy ra từ năm 1918 đến năm 1919. Đại dịch cúm Tây Ban Nha này đã khiến nhiều người chết nhất, chỉ sau căn bệnh dịch hạch. Ngoài số người chết khó tin, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm còn cho biết một điều đáng lưu ý là đại dịch này chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Một người xịt “chất chống cúm” ở Anh năm 1920. Ảnh: Getty Images
Theo trang history.com, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 do một virus cúm hiếm gây ra, tác động mạnh tới người trẻ khỏe chỉ sau vài ngày biểu hiện những triệu chứng đầu tiên. Tại Mỹ, đại dịch này đã giảm tuổi thọ trung bình của người dân xuống còn 12 năm.

Đang xem: Dịch Cúm Tây Ban Nha Năm 1918

Sau khi lây nhiễm cho ước tính 500 triệu người khắp thế giới trong năm 1918 và 1919 (tương đương 1/3 dân số toàn cầu), dòng virus H1N1 gây bệnh cúm Tây Ban Nha đã lùi về phía sau nhưng đã trở thành một loại cúm mùa thường xuyên quay trở lại.

Thông thường, hầu hết các đợt bùng phát dịch cúm thường khiến những bệnh nhân thuộc nhóm trẻ em, người già và người bệnh tử vong. Ngược lại, đợt dịch bệnh năm 1918 lại chủ yếu giết người lớn trẻ, khỏe mạnh trước tiên. Các nghiên cứu hiện đại sử dụng virus lấy từ thi thể của nạn nhân đông lạnh cho thấy virus gây tử vong cho bệnh nhân thông qua “cơn bão cytokine” (phản ứng quá mức của hệ miễn dịch cơ thể). Các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ của thanh niên đã gây tàn phá cơ thể, trong khi hệ thống miễn dịch yếu hơn của trẻ em và người lớn trung niên dẫn đến số ca tử vong ít hơn trong số các nhóm.

Hậu duệ trực tiếp của dịch cúm 1918 thường xuyên kết hợp với bệnh cúm gia cầm hoặc cúm lợn để tạo ra một dòng virus mới, gây đại dịch hoành hành mạnh vào các năm như 1957, 1968 và 2009. Các đợt bùng phát dịch cúm sau này đều là một phần của virus cúm năm 1918, giết chết thêm hàng triệu người nữa. Chính điều này đã khiến dịch cúm năm 1918 bị gọi là “mẹ của mọi đại dịch”.

Ông Jeffrey Taubenberger là một thành viên trong nhóm khoa học tiên phong đã lần đầu tiên cô lập và lập trình tự gien của virus cúm 1918 vào cuối những năm 1990. Quá trình mất thời gian này bao gồm công đoạn lấy RNA virus từ mẫu phổi giải phẫu của binh sĩ Mỹ chết vì đại dịch cúm 1918 và từ lá phổi nhiễm bệnh được bảo quản ở vùng đất đóng băng vĩnh cửu Alaska trong gần 100 năm.

Binh sĩ súc miệng nước muối để ngừa cúm năm 1918. Ảnh: Getty Images

Giờ đây, khi là giám đốc bộ phận tiến hóa và sinh bệnh học virus tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, ông Taubenberger giải thích rằng phân tích gien của cúm 1918 cho thấy virus này khởi nguồn là một loại cúm gia cầm và là một dòng virus hoàn toàn mới khi lây nhiễm cho con người trước năm 1918. Khi thí nghiệm ở chuột loại virus cúm năm 1918 được tái tạo, có thể thấy ở dạng ban đầu, các protein mã hóa lạ lùng của virus này có độc lực mạnh gấp 100 lần so với cúm mùa ngày nay.

Đại dịch 1918 đã xảy ra theo ba làn sóng riêng rẽ trong giai đoạn 12 tháng. Đại dịch lần đầu tiên xuất hiện vào mùa xuân năm 1918 ở Bắc Mỹ và châu Âu vào cuối mùa đông và mùa xuân năm 1919. Tuy nhiên, theo ông Taubenberger, virus cúm 1918 không đơn giản là biến mất sau làn sóng thứ ba.

Kể từ khi toàn thế giới phơi nhiễm với virus cúm 1918 và hình thành miễn dịch tự nhiên với virus này, dòng virus 1918 bắt đầu biến đổi và phát triển theo một quá trình được gọi là “trôi kháng nguyên”. Phiên bản hơi khác của virus cúm 1918 tái xuất hiện vào mùa đông năm 1919 và 1920 và sau đó là mùa đông 1920-1921. Tuy nhiên, phiên bản này không gây chết nhiều người và gần như không phân biệt nổi với cúm mùa. Ông Taubenberger cho biết virus cúm 1918 chắc chắn đã mất độc lực thực sự vào đầu những năm 1920.

Xem thêm:

Tuy nhiên, theo phân tích gien, điều thực sự không thể tin nổi là cũng dòng virus cúm lạ xuất hiện năm 1918 đó dường như lại là tổ tiên trực tiếp của mọi loại cúm mùa và đại dịch cúm mà loài người từng trải qua trong thế kỷ qua. Ông Taubenberger nói: “Người ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết gien của virus cúm 1918 trong cúm mùa ngày nay. Mọi trường hợp nhiễm cúm A ở người trong 102 năm qua đều bắt nguồn từ virus cúm năm 1918”.

Tới nay, đại dịch cúm năm 1918 là đợt bùng phát cúm gây chết người nhiều nhất trong thế kỷ 20 và 21, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến nó bị coi là đại dịch. Ngay cả khi có những loại vaccine phòng cúm mùa đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, virus cúm vẫn có khả năng biến đổi gien bất ngờ và gây chết người.

Trong mùa cúm bình thường, các nhà khoa học về vaccine có thể truy vết dòng virus hoạt động mạnh nhất và sản xuất vaccine bảo vệ con người trước những thay đổi của virus cúm trên người từ năm này qua năm khác. Nhưng gien virus từ động vật thường xuyên có mặt trong trong gien virus trên con người. Ông Taubenberger cho biết: “Nếu một động vật nhiễm hai virus cúm khác nhau cùng lúc, có thể một virus từ chim và một virus từ người, thì các gien này có thể trộn lẫn và hòa hợp để tạo thành một virus hoàn toàn mới, chưa từng tồn tại trước đó”.

Binh sĩ tại Fort Riley, Kansas (Mỹ) nằm viện vì mắc cúm Tây Ban Nha. Ảnh: Wikipedia

Điều này đã xảy ra năm 1957 khi virus cúm 1918 (vốn là một virus H1N1), trao đổi gien với một loại virus cúm gia cầm và gây ra đại dịch H2N2, khiến cả triệu người toàn thế giới thiệt mạng. Tiếp đó, năm 1968, thế giới xuất hiện “cúm Hong Kong”, một virus H3N2 khiến một triệu người nữa chết.

Đại dịch cúm lợn năm 2009 lại có câu chuyện sâu xa hơn. Khi con người nhiễm virus cúm 1918 (vốn là cúm gia cầm), con người cũng truyền virus này cho lợn. Một nhánh của virus cúm 1918 thích nghi lâu dài trên loài lợn và trở thành cúm lợn – dịch bệnh xảy ra ở lợn tại Mỹ hàng năm kể từ 1918 và lan ra khắp thế giới.

Năm 2009, dòng cúm lợn đã trao đổi gien với cả cúm người và cúm gia cầm, tạo ra một dòng virus cúm mới là H1N1. Dòng cúm này giống với cúm năm 1918 nhất từ trước tới nay. Khoảng 300.000 người đã chết vì đại dịch cúm năm 2009.

Từ 50 đến 100 triệu người chết trong đại dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918 đến 1919. Hàng chục triệu người nữa tử vong trong thế kỷ sau đó vì cúm mùa và đại dịch cúm. Có thể nói toàn bộ những ca tử vong này đều do sự xuất hiện của virus cúm 1918 – một loại virus “cứng đầu” và độc lực mạnh.

Xem thêm:

Ông Taubenberger kết luận: “102 năm sau, chúng ta vẫn đang sống trong thời gian mà tôi gọi là ‘kỷ nguyên đại dịch 1918’ và tôi không biết khi nào nó sẽ kết thúc”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *